Hội đồng Thương mại Canada-ASEAN khuyến nghị Chính phủ Canada chọn nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân của Việt Nam

Chuyên đề: Tin tức các nước

Hội đồng Thương mại Canada – ASEAN (CABC) đã khuyến nghị Chính phủ Canada chọn Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung PPE.

Trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Hamilton, Ontario, Canada ngày 23/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 4/5, báo Hill Times (Canada) đăng bài viết của tổ chức Hội đồng Thương mại Canada-ASEAN (CABC) do ông Jean Charest, cựu Phó Thủ tướng Canada làm chủ tịch danh dự, khuyến nghị chính phủ nước này nên tìm đến Việt Nam để giải quyết tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, đồng thời ca ngợi những biện pháp, hành động của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến này.    

Bài viết cho rằng việc thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) dành cho nhân viên y tế đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã thúc đẩy Chính phủ Canada phải khẩn cấp tìm dây chuyền cung ứng mới. Những nỗ lực ban đầu của Bộ Các vấn đề toàn cầu (GAC) chủ yếu tập trung tìm nguồn cung từ Trung Quốc và dự kiến nhập 145 triệu khẩu trang N95 từ quốc gia châu Á này.

Tuy nhiên, Canada hiểu rằng việc chọn một nguồn cung duy nhất sẽ đi kèm các rủi ro tiềm tàng. Điều này đặc biệt đúng đối với một quốc gia như Trung Quốc, nơi đang tiềm ẩn những căng thẳng trong quan hệ song phương với Canada. Vì vậy, thực tế đó khiến Canada cần ưu tiên ngay việc mở rộng tìm kiếm thêm các nhà cung cấp khác.

Trong bối cảnh như vậy, Hội đồng Thương mại Canada – ASEAN (CABC) đã khuyến nghị Chính phủ Canada nên chọn Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung PPE. CABC đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế như khu vực chế tạo phát triển mạnh, là một đối tác thương mại không ngừng phát triển của Canada trong khuôn khổ của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là một đối tác ngày càng quan trọng của Canada ở châu Á và đã đạt được thành công lớn trong kiểm soát dịch COVID-19.

Việc đa dạng hóa các đối tác thương mại không phải là một chiến lược mới của Chính phủ Canada. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Ottawa cần thay đổi theo hướng tiếp cận chủ động hơn, toàn diện hơn để chính quyền liên bang và địa phương có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của các nhân viên y tế trong đại dịch.

Theo CABC, công suất sản xuất PPE của Việt Nam ở mức cao với hơn 8 triệu khẩu trang/ngày. Tổ chức này cũng đánh giá cao việc Việt Nam trao tặng khoảng 500.000 khẩu trang cho các nước châu Âu (trong đó có Pháp và Đức), cũng như việc Việt Nam phối hợp chuyển gần 500.000 bộ quần áo bảo hộ y tế sang Mỹ.

CABC ca ngợi cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam. Việt Nam đã giành được nhiều lời khen ngợi từ quốc tế về hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan virus SARS-CoV-2. Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức độ lây nhiễm thấp và đã nhiều ngày liên tiếp không ghi nhận có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng.

CABC nhận định Việt Nam hiện là “thành viên nòng cốt” trong khối ASEAN, một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Tháng 9/2019, Canada đã hoàn tất các cuộc đàm phán thăm dò về một hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, và khả năng các cuộc đàm phán chính thức sẽ được khởi động ngay từ tháng 8/2020.

Canada là một đối tác của Việt Nam ở lĩnh vực hợp tác phát triển trong hơn 2 thập kỷ qua và Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN kể từ năm 2015. Quan hệ nhân dân giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, có gần 160.000 lượt khách du lịch Canada tới Việt Nam và gần 12.000 sinh viên Việt Nam học ở Canada.

Cuối cùng, CABC cho rằng trên cơ sở quan hệ song phương nói chung và quan hệ thương mại nói riêng không ngừng phát triển, Ottawa cần ngay lập tức thúc đẩy thỏa thuận với Việt Nam đề nghị hỗ trợ Canada trong kiềm chế dịch bệnh COVID-19. Điều đó sẽ giúp Canada ổn định tình hình trong nước và góp phần vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 toàn cầu như Việt Nam đã và đang làm với những hình ảnh về sự lãnh đạo và hành động.

Phóng viên TTXVN tại Ottawa

Tin tức các nước Liên quan
Tổng giám đốc IMF: Kinh tế toàn cầu 2023 sẽ khó khăn hơn
  • January 03, 2023
Các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều đ...
Chứng khoán thế giới năm 2023 sẽ về đâu?
  • January 03, 2023
Thị trường năm nay sẽ chịu tác động từ nhóm cổ phiếu c&o...
Những thị trường nhà ở hạ nhiệt nhanh nhất thế giới
  • January 03, 2023
Giá nhà trên khắp thế giới đã lao dốc do ch...
Từ 1/1/2023, Canada cấm hầu hết người nước ngoài mua nhà
  • January 03, 2023
Lệnh cấm người nước ngoài mua nhà ở Canada vừa có...
Những nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2022
  • January 03, 2023
Năm 2022, thế giới ghi nhận nhiều kỷ lục lịch sử như dân số to&a...