Cước vận chuyển container từ châu Á sang châu Âu, Mỹ lại tăng sốc

Chuyên đề: Tin tức các nước

Giá cước vận chuyển container từ châu Á sang Mỹ và châu Âu đang tăng nhanh với tốc độ chưa từng có trong bối cảnh các chủ hàng cạnh tranh trả giá cước cao hơn để được đặt chỗ với các hãng tàu.

Cảng Los Angeles ở California, Mỹ. Ảnh: Splash247

Giá cước tăng hơn 50% chỉ trong 2 tháng

Công ty tư vấn Drewry Shipping Consultants (Anh) cho biết tính đến ngày 1-7, chi phí vận chuyển container 40 feet (FEU) trung bình ở 8 tuyến đường biển chính của thế giới đã lên mức 8.399 đô la Mỹ, tăng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng đến 53,3% kể từ tuần đầu tiên của tháng 5-2021, tức tăng với tốc độ chưa từng thấy.

Giá cước vận chuyển container 40 feet đi từ Trung Quốc đến các cảng lớn ở châu Âu và Bờ Tây của nước Mỹ đã tiến sát mức 12.000 đô la. Riêng giá cước vận chuyển container từ cảng Thượng Hải, Trung Quốc đến cảng Rotterdam, Hà Lan đã lên mức 12.203 đô la, tăng 567% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số công ty cho biết họ bị tính giá đến 20.000 đô la cho những hợp đồng ký kết vào phút cuối để kịp đưa hàng lên tàu.

Chỉ số giá cước container thế giới của Drewry Shipping Consultants, cập nhật đến ngày 1-7, cho thấy, giá cước vận chuyển container ở 8 tuyến giao thương đường biển lớn của thế giới tăng 346% so với cách đây 1 năm. Ảnh: Drewry

“Thương mại toàn cầu giờ đây giống như nhà hàng đắt khách nhất trong thành phố. Nếu bạn muốn đặt chỗ với hãng tàu, bạn cần phải lên kế hoạch trước 2 tháng. Mọi chủ hàng đang cố gắng giành được bất cứ suất đặt chỗ nào mà họ có thể nhưng tất cả đều không còn”, Brian Bourke, Giám đốc tăng trưởng của Công ty Seko Logistics, có trụ sở tại Itasca, bang Illinois, nói.

Các chuyên gia hàng hải nói rằng giá cước vận tải biển tăng là kết quả của hàng loạt sự “đứt gãy” khắp các chuỗi cung ứng, dẫn đến sự trì hoãn hoạt động ở các cảng và mạng lưới phân phối nội địa khi các công ty bán lẻ và nhà sản xuất ở phương Tây chạy đua bổ sung kho hàng đã cạn kiệt trong thời kỳ dịch bệnh.

Giá cước vận tải biển bắt đầu tăng kể từ mùa hè năm ngoái do nhu cầu của người tiêu dùng ở các nước phương Tây tăng mạnh nhờ chính phủ của họ nới lỏng lệnh phong tỏa.

Giá cước càng tăng mạnh khi các sự cố liên quan đến vận tải biển liên tiếp xảy ra, tàu container Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez, tình trạng tắc ngẽn ở các cảng tại Nam California (Mỹ) và cảng Diêm Điền (Trung Quốc) khiến các tàu phải lênh đênh trên biển trong nhiều ngày, nhiều tuần, dẫn đến nguồn cung container thiếu hụt nghiêm trọng.

Dữ liệu của Công ty tư vấn Sea-Intelligence (Đan Mạch) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, có đến 695 tàu container đến các cảng ở Bờ Tây nước Mỹ chậm hơn 1 tuần so với bình thường. Trong giai đoạn 2012-2020, tức suốt 9 năm, chỉ có tổng cộng 1.535 tàu container đến chậm như vậy.

Philip Damas, Giám đốc Tư vấn chuỗi cung ứng ở Drewry Shipping Consultants, nói: “Container mắc kẹt trên biển trong thời gian dài hơn. Container ở các cảng cũng chờ nhận hàng lâu hơn. Công suất của ngành vận tải container đang bị tổn thất”.

Ông nói rằng bảng báo giá cước của nhiều chuyến vận chuyển container đang cao hơn các chỉ số cước container của Drewry, chỉ số cước vận tải hàng hóa container Thượng Hải, chỉ số Freightos Baltic Index, vì giá cước đặt chỗ mà các chỉ số này ghi nhận chỉ được cung cấp trong vòng một tuần trước khi tàu khởi hành. Khi các chủ hàng sốt sắng tìm cách vận chuyển hàng để kịp kế hoạch, một số hãng tàu cũng ra giá cước cao hơn.

Ông nói: “Cuộc đấu giá cước vận tải biển đang tăng tốc”.

Các chuyên gia chuỗi cung ứng cho biết giá cước cao ngất ngưỡng khiến nhiều chủ hàng, đặc biệt là những người cần vận chuyển các mặt hàng có giá trị thấp, đối mặt với sự lựa chọn: Họ phải trả giá cước cao hơn và sau đó chuyển chi phí tăng thêm này cho khách hàng của họ hoặc rút khỏi các thị trường nước ngoài.

Ngành vận tải biển căng thẳng đến năm 2022

Zhu Guojin, nhà tư vấn ở Công ty logistics Jizhi Supply Chain Service Yiwu cho biết phần lớn khách hàng của công ty ông bao gồm Amazon và một số nhà nhập khẩu Mỹ, đang rất cần hàng dù phải trả giá cao hơn. Ông nói: “Năm ngoái, nhiều khách hàng trì hoãn vận chuyển hàng với hy vọng chi phí sẽ giảm xuống. Nhưng bây giờ, họ không như vậy nữa. Phần lớn họ dường như không quan tâm đến giá cả nữa”.

Damas dự báo tình trạng căng thẳng của ngành vận tải biển vẫn duy trì ở mức nghiêm trọng cho đến Tết Nguyên đán hoặc đầu năm 2022, khi các nhà máy Trung Quốc đóng cửa để nghỉ Tết.

Brian Bourke, Giám đốc Tăng trưởng ở Công ty Seko Logistics cho biết, công ty ông đã lên kế hoạch cho tình huống vận tải biển tiếp tục căng thẳng cho đến cuối năm nay.

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s cũng dự báo giá cước vận tải biển sẽ duy trì ở các mức cao kỷ lục đến sang năm do nhu cầu vượt xa công suất của các hãng tàu.

“Covid-19 đã tạo ra cú hích lớn chưa từng có cho các hãng tàu container với siêu chu kỳ tăng giá của vận tải biển sẽ tiếp tục. Giá cước đang tăng với tốc độ “tên lửa” và có khả năng điều này sẽ không thay đổi cho đến năm sau”, Jonathan Roach, nhà phân tích ở Công ty Braemar ACM, có trụ sở ở London, nói.

Theo Wall Street Journal

Tin tức các nước Liên quan
Tổng giám đốc IMF: Kinh tế toàn cầu 2023 sẽ khó khăn hơn
  • January 03, 2023
Các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều đ...
Chứng khoán thế giới năm 2023 sẽ về đâu?
  • January 03, 2023
Thị trường năm nay sẽ chịu tác động từ nhóm cổ phiếu c&o...
Những thị trường nhà ở hạ nhiệt nhanh nhất thế giới
  • January 03, 2023
Giá nhà trên khắp thế giới đã lao dốc do ch...
Từ 1/1/2023, Canada cấm hầu hết người nước ngoài mua nhà
  • January 03, 2023
Lệnh cấm người nước ngoài mua nhà ở Canada vừa có...
Những nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2022
  • January 03, 2023
Năm 2022, thế giới ghi nhận nhiều kỷ lục lịch sử như dân số to&a...