Luật Thuế quan và Hải quan

Chuyên đề: Luật kinh doanh Mỹ

Hệ thống thuế quan: Hệ thống thuế quan của Mỹ là Biểu Thuế quan hài hoà của Hợp chúng quốc Hoa kỳ (Harmonized Tariff Schedule - HTS). Ðược chính thức thông qua ngày 1 tháng 1 năm 1989, hệ thống này được xây dựng dựa trên Hệ thống Mô tả hàng hoá và Mã số Hài hoà của Hội đồng Hợp tác Hải quan, một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Brúc-xen. Ðược coi là hệ thống hài hoà, hệ thống thuế quan này được hầu hết các quốc gia thương mại lớn sử dụng.

Hầu hết các loại thuế quan của Mỹ đánh theo tỷ lệ trên giá trị - tức là mức thuế được xác định bằng một tỷ lệ phần trăm trên giá trị hàng nhập khẩu. Mức thuế suất của Mỹ biến động từ dưới 1% đến gần 40%, đối với hàng dệt may nhập khẩu thường phải chịu thuế cao hơn. Hầu hết thuế tỷ lệ trên giá trị trong khoảng từ 2 đến 7%, với mức thuế trung bình là 4%.

Một số hàng nhập khẩu, thường là nông sản và các loại hàng chế biến khác, là đối tượng chịu "thuế theo số lượng" - đó là một loại thuế ấn định đối với một số lượng nhất định. Một số sản phẩm phải chịu thuế gộp, loại kết hợp thuế theo tỷ lệ trên giá trị và thuế theo số lượng. Tuy nhiên đối với những sản phẩm khác, ví dụ như đường, phải chịu thuế định ngạch -- một mức thuế suất cao hơn được áp dụng đối với hàng nhập khẩu sau khi một lượng hàng cụ thể đã được nhập vào Mỹ trong năm, mức chênh lệch sẽ thấp hơn thuế suất phổ biến. Một số ít các trường hợp gần như đặc biệt phải chịu các mức thuế khác.

Quy chế tối huệ quốc: Hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ có chế độ buôn bán "Tối Huệ Quốc" (MFN). Hàng hoá của các nước thuộc diện đối xử tối huệ quốc sẽ chịu các mức thuế như nhau khi vào Mỹ. Khi Mỹ giảm, loại bỏ, hoặc thay đổi một loại thuế quan, thì sự thay đổi đó được áp dụng bình đẳng với tất cả các quốc gia được hưởng MFN. Hàng nhập khẩu từ các nước không có MFN sẽ phải chịu mức thuế cao hơn rất nhiều.

Khi gia nhập Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) trong năm thành lập 1948, Mỹ đã đồng ý dành MFN cho tất cả các nước khác đã ký hiệp định. Chế độ này còn dành cho một số nước nhất định không tham gia vào GATT. Từ năm 1951, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu tổng thống Truman hủy bỏ MNF dành cho Liên Xô và tất cả các nước cộng sản khác. Lúc đầu khi được triển khai, việc hủy bỏ này được áp dụng với tất cả các nước hậu Cộng sản trừ Nam Tư. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh hầu hết các nước cộng sản hoặc bị từ chối MFN hoặc là phải đáp ứng những điều kiện nhất định để được hưởng chế độ này.

Hiện nay, Mỹ dành chế độ MFN cho tất cả các thành viên của WTO và hầu hết các quốc gia khác. Các quốc gia không được hưởng MFN, vào thời điểm tháng 5 năm 1997, bao gồm Afghanistan, Cuba, Lào, Bắc Triều tiên, Việt Nam, và Secbia/Montenegro. Các nước muốn được hưởng MFN phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản: i) Tuân thủ các điều khoản Jackson-Vanik của Luật Thương mại năm 1974, trong đó yêu cầu tổng thống phải xác nhận là quốc gia đó không từ chối hoặc ngăn cản quyền hoặc cơ hội của công dân của nước đó được di cư; ii) Ðã ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Các điều kiện xét dành chế độ MFN đối với Secbia hoặc Montenegro có thể khác. Việc Quốc hội từ chối MFN đối với Secbia/Montenegro nhằm phản đối cuộc xung đột vũ trang và sự vi phạm nhân quyền sau cuộc đảo chính tại Nam Tư cũ.

Một số quốc gia phải được tổng thống bãi nại hoặc gia hạn sự bãi nại hàng năm để tiếp tục chế độ MFN của họ. Cho đến nay quốc gia quan trọng nhất phải yêu cầu gia hạn sự bãi nại hàng năm là Trung Quốc, hiện đang là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ.

Chậm nhất là ngày 3 tháng 7 hàng năm, tổng thống phải gia hạn bãi nại áp dụng điều khoản tự do di cư Jackson Vanik hàng năm đối với Trung Quốc. Việc bãi nại đối với Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1980. Hàng năm kể từ 1989, một luật đã được trình lên Quốc hội nhằm phản đối việc bãi nại của tổng thống. Luật này đã yêu cầu gắn chặt việc gia hạn MFN cho Trung Quốc với việc đáp ứng các điều kiện nhân quyền qua đó đạt được sự tự do di cư. Trong suốt năm 1996, tất cả các nỗ lực nhằm từ chối chế độ MFN cho Trung Quốc đã bị thất bại.

Trong khi Libya, Iran và Irắc có chế độ buôn bán Tối Huệ Quốc, hoạt động thương mại với các nước này lại bị cấm vận bởi một số luật khác của Mỹ.

Các chương trình đơn phương đặc biệt: Có một số luật dành sự đối xử thuế quan ưu đãi đối với một số sản phẩm một cách đơn phương, một chiều cho các nước đang phát triển. Các chương trình này bao gồm:

    * Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalize System of Preferences - GSP), một chương trình miễn thuế quan cho hơn 4.450 sản phẩm từ khoảng 150 nước và lãnh thổ đang phát triển. Luật GSP quy định việc đánh giá hàng năm các mặt hàng và các nước đủ điều kiện. Những hạn định sẽ được đặt ra đối với việc miễn thuế cho một số sản phẩm nhất định nếu việc nhập khẩu tăng lên trên một mức đôla nhất định. Lợi ích của GSP có thể bị hạn chế nếu quốc gia đó duy trì những hàng rào đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, từ chối bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hoặc không tuân thủ các quyền công nhân đã được quốc tế công nhận. Luật GSP đã hết hạn ngày 31 tháng 5 năm 1997. Khi GSP lần cuối cùng được gia hạn vào tháng 8 năm 1996, sau khi đã hết hạn hơn một năm, việc miễn thuế đã được khôi phục hiệu lực.
    * Sáng kiến vùng lòng chảo Caribe (Caribbean Basin Initiative - CBI), quy định việc miễn hoặc giảm thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm từ 24 nước ở Trung Mỹ và khu vực Caribe. Những ưu đãi thương mại CBI không phải xét lại hàng năm. Các quốc gia có thể bị mất những lợi ích của CBI trong những điều kiện nhất định.
    * Luật Ưu đãi Thương mại Andean (ATPA), Luật này dành ưu đãi thuế quan cho các sản phẩm từ Bolovia, Colombia, Ecuador, và Peru. Chương trình này hết hạn vào tháng 12 năm 2001.

Các quốc gia mà Mỹ ký hiệp định thương mại trong đó việc giảm thuế quan và các hàng rào thương mại khác, như NAFTA và Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do Mỹ - Ixaren, đã được đề cập trong phần khác của luật thương mại liên quan đến những hiệp định thương mại tương hỗ.

Ưu đãi thuế quan đặc biệt: Mỹ dành một ưu đãi thuế quan quan trọng đối với hàng hoá nhập khẩu đươc sản xuất từ những bộ phận chế tạo tại Mỹ. Ðiều khoản trong luật này là HTS số 9802 theo Hệ thống Hài hoà mới -- trước đây gọi là điều 807 theo Hệ thống Thuế quan cũ của Mỹ. Theo thoả thuận này, thuế chỉ đánh vào phần giá trị gia tăng ở nước ngoài của sản phẩm, không đánh thuế đối với những phần được sản xuất ở Mỹ. Thoả thuận này, được gọi là "hợp đồng phân chia sản phẩm", được sử dụng rộng rãi từ môtô đến sản phẩm bán dẫn, quần áo được may ở nước ngoài sử dụng vải được sản xuất ở Mỹ. Năm 1996, khoảng 8,5% tổng nhập khẩu của Mỹ đã áp dụng theo điều khoản HTS số 9802.

Tính giá hải quan, các quy định khác: Mỹ chấp nhận dùng Hiệp định của WTO về tính giá hải quan làm cơ sở cho Luật tính giá hải quan của Mỹ, quy trình xác định giá trị của hàng nhập khẩu để áp dụng thuế tỷ lệ trên giá trị.

Bằng việc tham gia vào hiệp định, Mỹ sử dụng các quy tắc trong Thoả thuận Giải quyết Tranh Chấp của WTO để giải quyết những tranh chấp.

Luật hiện tại của Mỹ coi "giá trị giao dịch" là cơ sở để xác định giá trị của hàng nhập khẩu. Nhìn chung, giá trị giao dịch là mức giá thực tế đã trả hoặc phải trả cho hàng nhập khẩu đó, với một số chi phí bổ sung không bao gồm trong giá đó. Nếu phương pháp tính giá hải quan thứ nhất không được sử dụng, luật quy định phương pháp thứ hai sẽ được sử dụng. Theo thứ tự như sau: 1) giá trị giao dịch của hàng hoá giống hoặc tương tự, 2) giá trị suy diễn; 3) giá trị tính toán.

Luật Hải quan của Mỹ cũng quy định rằng xuất xứ của của sản phẩm phải được giải trình rõ ràng và trung thực. Ðiều này vô cùng quan trọng đối với những sản phẩm muốn vào Mỹ thông qua các chương trình miễn thuế một chiều như GSP, CBI, và ATPA. Ðối với những sản phẩm đủ điều kiện được ưu đãi thuế trong ba chương trình này, ít nhất 35% chi phí sản xuất trực tiếp của hàng này phải nằm trong nước được hưởng lợi.

Có những quy định "nước xuất xứ" đặc biệt đối với NAFTA.

Luật kinh doanh Mỹ Liên quan
Mỹ siết quy định cấp thị thực cho phụ nữ mang thai
  • February 10, 2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 mở một mặt trận mới trong ...
Mỹ siết chặt quy định đầu tư nước ngoài để bảo vệ an ninh quốc gia
  • February 10, 2020
Trong vòng một tháng nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ...
Quyền đàm phán của tổng thống/Các hiệp định thương mại tương hỗ
  • October 16, 2019
Quốc hội có quyền quyết định cuối cùng về việc Mỹ sẽ tăn...
Quyền hạn liên quan đến an ninh chính trị và kinh tế
  • October 16, 2019
Luật về Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế (IE...
Các luật quản lý hoạt động xuất khẩu
  • October 16, 2019
Chính phủ Mỹ kiểm soát một số mặt hàng xuất khẩu ...