Các luật quản lý hoạt động xuất khẩu

Chuyên đề: Luật kinh doanh Mỹ

Kiểm soát Xuất khẩu

Chính phủ Mỹ kiểm soát một số mặt hàng xuất khẩu để bảo vệ an ninh quốc gia, nâng cao những lợi ích của chính sách đối ngoại của Mỹ, hạn chế sự phát triển các loại vũ khí sinh học và hoá học và công nghệ tên lửa, và để đảm bảo cung ứng đủ trong nước các loại hàng còn thiếu.

Ðạo luật Quản lý Xuất khẩu năm 1979 (EAA): Luật này đã hết hiệu lực tháng 9 năm 1990, nhưng chính phủ của Bush và Cliton đã duy trì hệ thống kiểm soát xuất khẩu hoạt động theo một luật liên quan đến tình trạng khẩn cấp gọi là Ðạo luật về Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế (International Emergency Economic Powers Act - IEEPA). Do vướng mắc về lợi ích kinh doanh và quốc phòng, Quốc hội đã một vài lần không thông qua được luật cải tổ Ðạo luật quản lý xuất khẩu trong Kỷ nguyên Chiến tranh lạnh (Cold War- era EAA). Theo các điều luật của EAA, Bộ Thương mại Mỹ kiểm soát các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng được sử dụng hai mục đích - những mặt hàng dân sự nhưng cũng có tiềm năng ứng dụng vào mục đích quân sự.

Cục Quản lý Xuất khẩu của Bộ Thương mại (BXA) là cơ quan chính cấp phép xuất khẩu những mặt hàng được sử dụng hai mục đích. Bộ Ngoại giao cấp phép xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ quốc phòng theo quy định của Luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí, trong khi một số loại vật tư, thiết bị hạt nhân nhất định lại do Ủy ban Kiểm soát Hạt nhân cấp phép theo quy định của Luật Năng lượng Nguyên tử.

Một tỷ lệ rất nhỏ các mặt hàng xuất khẩu và tái xuất khẩu yêu cầu phải trình đơn xin cấp phép lên Cục Quản lý Xuất khẩu. Những yêu cầu về giấp phép phụ thuộc vào các đặc điểm kỹ thuật của hàng hoá, nơi nhập khẩu, việc sử dụng cuối cùng và người sử dụng cuối cùng của mặt hàng đó, và các hoạt động khác của người sử dụng cuối cùng. Bước đầu tiên mà người xuất khẩu phải thực hiện để tìm hiểu xem có yêu cầu về giấy phép hay không là phải xác định hoặc yêu cầu Cục Quản lý Xuất khẩu xác định xem sản phẩm đó có trong Danh sách Kiểm soát Thương mại (CCL) hay không. Ðây là danh sách các sản phẩm là đối tượng của kiểm soát xuất khẩu do Bộ Thương mại quản lý.

Cục Quản lý Xuất khẩu sẽ kiểm tra tất cả các đơn xin giấy phép xuất khẩu để đảm bảo các mặt hàng không bị xuất khẩu bất hợp pháp. Ngoài ra, Cục này cũng kiểm tra các đơn xin cấp phép của từng cá nhân/đơn vị cụ thể để xác định những rủi ro vu hồi, xác định những vi phạm tiềm năng, và xác định mức độ tin cậy của những người nhận những hàng hoá hoặc thông tin kỹ thuật có xuất xứ từ Mỹ trong diện bị kiểm soát. Cục Quản lý Xuất khẩu còn tiến hành việc xác minh sau khi xuất khẩu để đảm bảo rằng một mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ trong diện bị kiểm soát thực tế có được giao cho đúng người sử dụng cuối cùng hoặc người nhận được ủy quyền hay không, và đảm bảo rằng mặt hàng đó được sử dụng theo đúng như khai nhận trong đơn xin giấy phép xuất khẩu.

Những người bị phát hiện vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu sẽ bị phạt 50.000 đô-la hoặc gấp 5 lần giá trị của hàng xuất khẩu có liên quan hoặc nhiều hơn, ngoài án tù có thể lên tới 5 năm. Nếu một người biết mặt hàng đó sẽ được sử dụng để phục vụ lợi ích của - hoặc biết nơi đến hoặc nơi dự định đến của mặt hàng là - một quốc gia mà khi đến đó hàng xuất khẩu bị cấm sử dụng cho mục đích an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại, hình phạt đối với cá nhân đó sẽ tăng lên 250.000 đô-la, phạt tù cao nhất lên đến 10 năm, hoặc cả hai. Hình phạt đối với các công ty có thể là 1 triệu đô-la hoặc gấp năm lần giá trị hàng xuất khẩu có liên quan hoặc nhiều hơn.

Tính hiệu quả của nhiều biện pháp kiểm soát được tăng cường bằng việc đưa vào thành một nội dung của các hiệp định kiểm soát đa phương. Hiện nay, Mỹ là thành viên của Nhóm Các Nhà Cung cấp Nguyên tử, Nhóm Ôxtrâylia, Hệ thống Kiểm soát Công nghệ Tên lửa, và Thoả thuận Wassenaar.



Thúc đẩy Xuất khẩu

Chính phủ Mỹ theo đuổi việc thúc đẩy xuất khẩu của một số loại sản phẩm cụ thể thông qua một số chương trình sau:

Luật Triển lãm Thương mại Phụ tùng Ô tô năm 1988 (Fair Trade in Auto Parts Act of 1998): Luật này yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ đề xướng một chương trình thúc đẩy việc bán các loại phụ tùng ô tô sản xuất tại Mỹ sang thị trường Nhật bản.

Luật Cải cách và Cải tiến Nông nghiệp Liên bang năm 1998 (Federal Agriculture Improvement and Reform Act of 1996): Luật này, nằm trong đạo luật trang trại của Mỹ, duy trì một số chương trình thúc đẩy xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Công ty Tín dụng Hàng hoá (Commodity Credit Corporation - CCC) cấp bảo lãnh tín dụng lên đến 98% vốn và một phần lãi suất đối với các khoản vay do các ngân hàng tư nhân cấp cho việc mua hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ. Chương trình tiếp cận thị trường sử dụng vốn của CCC để giúp khu vực tư nhân thúc đẩy xuất khẩu nông sản thông qua quảng cáo, triển lãm thương mại, và trưng bày trong cửa hàng. Chương trình Tăng cường Xuất khẩu trợ giá cho việc xuất khẩu mì, gạo, lúa mạch, và các loại hàng hoá khác để đối phó với việc bán hàng trên thị trường do Liên minh Châu Âu trợ cấp. Tương tự, Chương trình Khuyến khích Xuất khẩu Bơ sữa cũng trợ giá cho xuất khẩu bơ sữa để đối phó với việc bán hàng được các chính phủ nước ngoài trợ giá.

P.L 480: Chương trình Lương thực cho Hoà bình, được Quốc hội thông qua năm 1954, hỗ trợ nông nghiệp cho các nước ở các mức độ phát triển kinh tế khác nhau. Phần I, do Bộ Nông nghiệp Mỹ quản lý, qui định đối với việc bán các loại nông sản cấp chính phủ cho các nước đang phát triển theo thoả thuận về tín dụng dài hạn. Phần II và III do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) quản lý. Phần II quy định về việc viện trợ nhân đạo của chính phủ Mỹ các loại nông sản của Mỹ để đáp ứng nhu cầu lương thực ở nước ngoài. Phần III quy định việc trợ cấp ở cấp chính phủ để hỗ trợ phát triển kinh tế dài hạn của các nước kém phát triển. Ðiều 416(b) quy định việc tặng nước ngoài các mặt hàng dư thừa để triển khai các chương trình viện trợ của các nước đang phát triển.

Chương trình Thực phẩm cho Tiến bộ, một chương trình khác được xây dựng năm 1985 nhỏ hơn nhiều so với P.L.480, cho phép xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên điều kiện tín dụng hoặc trên cơ sở trợ cấp để hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước dân chủ rõ nét cam kết với các thông lệ của thị trường tự do trong nền kinh tế nông nghiệp của họ.

Luật kinh doanh Mỹ Liên quan
Mỹ siết quy định cấp thị thực cho phụ nữ mang thai
  • February 10, 2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 mở một mặt trận mới trong ...
Mỹ siết chặt quy định đầu tư nước ngoài để bảo vệ an ninh quốc gia
  • February 10, 2020
Trong vòng một tháng nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ...
Quyền đàm phán của tổng thống/Các hiệp định thương mại tương hỗ
  • October 16, 2019
Quốc hội có quyền quyết định cuối cùng về việc Mỹ sẽ tăn...
Quyền hạn liên quan đến an ninh chính trị và kinh tế
  • October 16, 2019
Luật về Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế (IE...
Các luật khác quản lý hàng nhập khẩu
  • October 16, 2019
Các hiệp định trong khuôn khổ Vòng đàm ph&a...